Cụ Nguyễn Khắc Bảo ở thành phố Bắc Ninh - một nhà nghiên cứu về ngôn ngữ học, thuộc Hội Ngôn ngữ học Việt nam, sau quá trình tìm tòi, tra cứu, đối chiếu nhiều nguồn tư liệu cổ mới đây đã cho công bố một phát hiện mới có giá trị học thuật rất thú vị về bí ẩn của chén trà Hồng Mai trong tác phẩm Truyện Kiều nổi tiếng của đại thi hào dân tộc Nguyễn Du.
Phát hiện này có sự biện giải khác hẳn với biện giải của các nhà ngôn ngữ học, các nhà nghiên cứu Truyện Kiều từ trước tới nay và càng làm rõ thêm sự tinh tuý, thâm sâu về bút pháp sử dụng điển tích để khắc hoạ tính cách điển hình của nhân vật "Hoạn Thư" trong tình tiết Thúc Sinh lẻn sang "Quan Âm Các" tình tự với Thuý Kiều bị phát hiện rồi được dâng trà và đưa về nhà:
"Thiền trà cạn chén Hồng Mai
Thong dong nối gót thư trai cùng về"
Theo cụ Bảo, cách giải thích của các nhà chú giải Truyện Kiều xưa nay đều cho rằng trà Hồng Mai là một loại trà quí, thơm ngon, Hoạn Thư vì sợ mất chồng phải nín nhịn chiều chàng Thúc Sinh bằng cách vui vẻ nói cười dâng trà như thế. Cụ Bảo đã dẫn ra nhiều người, nhiều sách đã nghĩ và viết như vậy.
Cụ Bùi Kỷ thì viết: "Đó là nước trà nhà chùa nấu bằng gỗ mai". Cụ Lê Văn Hoè đồng tình với lý giải này và mở rộng thêm: "Cũng có người cho là nước trà uớp Hồng Mai là một thứ hoa mai sắc đỏ, hương rất thơm". Cụ Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu tán thành là: "Cây Hồng Mai trồng trong chậu làm cảnh, thân bé mà hoa đỏ, pha nước uống rất thơm". Cụ Hồ Đắc Hàm dẫn sách Loại Lâm chép rằng: "Nước Tân La thuộc về châu Ấn Độ có nhiều cây Hải Hồng tức là trà trên núi, sắc đỏ lợt mà lá nhỏ thua lá trà Tàu, nở hoa từ tháng Chạp đến tháng Hai đồng thời với hoa Mai nên gọi là trà mai hay Hồng Mai". Xa xưa nhất, cụ phó bảng Kiều Oánh Mậu từ 1902 giải thích "Thiền gia dụng mai bì tác trà danh Hồng Mai", nghĩa là "Nhà chùa dùng vỏ cây mai chế trà gọi là trà Hồng Mai".
Cụ Nguyễn Khắc Bảo cho rằng hiểu về trà Hồng Mai như thế thì chưa đánh giá đúng và đủ bản chất của Hoạn Thư, người đâu có chịu "nhường tình xẻ ái" cho Thuý Kiều. Cụ lý giải: "Tham tri làng Tiên Điền đã khéo kết hợp cả chất thâm trầm của nhà nho xứ Nghệ với nét tế nhị của Quan họ xứ Bắc mà không viết gì về tác dụng phụ của chén trà Hồng Mai khiến cho người đời sau cứ phải nối nhau suy ngẫm".
Khi cụ Nguyễn Du viết "nước cành dương", "nước vỏ lựu", "nước đã đánh phèn" trong chuyện Kiều... đều có điển tích rất sâu xa cả. Cụu Bảo còn dẫn sách Liêu Trai với chuyện đánh ghen của cặp Giang Thành - Cao Sinh ở quán rượu Hồng Mai của Vương Tử để lý giải về sự tương đồng với cặp Hoạn Thư - Thúc Sinh dẫn đến việc dùng điển tích của cụ Nguyễn Du mà cụ chả cần phải viết dài dòng nhưng vẫn lột tả được sự nham hiểm, độc địa của mụ Hoạn Thư "Bề ngoài thơn thớt nói cười, bề trong nham hiểm giết người không dao".
Chính vì thế, sau này cụ Lan Trì Vũ Trinh (1759 - 1828) - một danh nhân, anh rể cụ Nguyễn Du quê ở Bắc Ninh - đã viết "Ta với nàng (Hoạn Thư) sinh không đồng một thời, ở không cùng một chỗ mà nay đọc đến hai câu thơ nói về nàng như cảm thấy không rét mà run". Cái tài của Nguyễn Du khi khắc hoạ về tính cách Hoạn Thư qua điển tích trà Hồng Mai quả là vô cùng sâu sắc.