Tổng luận về các kiểu chén trà
logo

Vua Gia long biết cộng ưu với bầy tôi lúc hoạn nạn, nhưng không biết cộng lạc lúc thái bình.

 

Năm 1804 (Giáp Tý), ông sai làm bộ chén sứ, ba quân một tống để chung trên một đĩa bàn, quần thần chung lưng đấu cật, ngụ ý câu “ Quân (vua) cộng lạc, hề thần cộng lạc. Quân cộng ưu thần tất cộng ưu”.

Chín năm sau, 1813 (Quý Dậu), đã thấy vua xa tách bầy tôi, với bộ chén  1 chén tống riêng trên đĩa dầm và bốn chén tốt riêng trên đĩa bàn phân biệt.

Nhắc lại năm 1804, Thế Tổ bình định thiên hạ vừa xong, mùi thuốc súng còn phảng phất trong hơi thở và trên cảnh vật, nên ông vua hiếu võ này mỗi lúc đều tưởng nhớ đến binh cơ quân vụ. Vì vậy bộ chén trà thời đó gồm có chén tướng tống, chén quân và quân lại chia ra làm ba đạo (tam quân) rõ rệt. cầm đầu đạo binh giữa (trung quân) khi thì Chúa, khi thi một đại tướng (Trung quân Nguyễn Văn Thành).

Phương pháp uống trà làm vậy, đúng với câu phương ngôn từ xưa đã dạy : “Trà tam, tửu tứ”.

-               Bàn để đồ trà, tục gọi xà kỷ (trà kỷ) thì vẫn kê sát vách sát phên, chừa đủ ba mặt cần ích để khách bắc ghế ngồi nhâm nhi chén trà hương thơm ngào ngạt ( trà tam )

-               Bàn độc dùng ngồi uống rượu thì vuông vức, có bốn mặt tiền (tửu tứ).

Khách đông năm người, ngồi kiểu năm cánh mai (ngũ mai); sáu người, thì ngồi theo kiểu bông tai vị (lục vị); bảy người ngồi kiểu thất hiền (bảy tiên), kỳ dư đông quá thì sắm bàn tròn, đông hơn nữa thì “bàn hột xoài”, hình bầu dục, hoặc bàn dài, muốn dài bao nhiêu lại chẳng được ?

Nhắc lại năm 1813, việc binh cách xa, trong nước cảnh tượng âu ca thái bình, nên chi giữa triều đình vua tôi rỗi rảnh, vua yếm võ tu văn, các vị võ thần già, tuy chưa bị bỏ quên, nhưng không sao tranh tài luyện văn múa bút bì kịp bọn văn quan, nhứt là về phương diện thù ứng và kiểu sức thì phái nhà nho không ngớt phô trương lấn áp. Sự phân cách quần thần càng ngày càng thấy rõ.

Ảnh hưởng của sự phân biệt ấy là bộ đồ trà Mai Hạc -1813 bày ra có: (Y như triều đình có vua.ở trong cung cấm và bốn quan tứ trụ coi sóc việc chánh nơi điện).

-               1 chén chứa để dùng trà, dầm trà, trước gọi “chén tướng” nay vì kiêng cữ đành đọc trại ra “chén tống”, và để riêng ra trên một đĩa dầm, cho thêm phân biệt (vua ngự cung nội).

-               4 chén nhỏ để dùng trà, nay lựa số 4 là số chẵn, tượng trưng điềm lành: tứ trụ, tứ hữu, ngụ ý quần thần, bầy tôi, không dùng số 3 vì lẻ loi, không đủ đôi đủ cặp. Gọi “chén quân” lại vì sợ lầm “quân” là vua, nên cũng gọi “chén tốt” cho khỏi sự hiểu sai. Chén tốt được để riêng trên một đĩa bàn phân biệt. Quân là quân sĩ; tốt là sĩ tốt (bốn anh lính tượng trưng cho bốn đạo quân, nói năm đạo (ngũ đạo binh mã), mới là trúng cách, vì có một đạo ở trung tim, ở đây không kể.

Dựa theo hai đặc điểm kể trên, tôi nhấn mạnh rằng:

-               Bộ chén 1804 chắc thể theo tôn ý Thế Tổ nhà Nguyễn chế ra, một ông Thế Tổ tốt, biết gần gũi với các đình thần một tướng ba quân.

Không như bộ chén 1813, tuy cũng còn dưới thời Cao Hoàng, nhưng ông Cao Hoàng đã kiêu đến đi theo đường Hán Cao Tổ, có tánh nghi kỵ người giỏi và tôi lương đống, tách xa dần những bạn áo vải năm xưa. Và ông Hàn Tín đời Gia Long là Tổng Trấn Nguyễn Văn Thành, văn hay võ giỏi phải bị vua bức tử năm 1817.

Ta hãy quên đoạn sử đen tối ấy và lấy bình tĩnh lại để suy ngẫm về hai bộ chén này, ta sẽ thấy phương pháp cổ nhân uống trà là cả một nghệ thuật (người Nhựt tôn lên làm trà đạo cũng phải) và cũng tuỳ thời, tuỳ phong tục, phương pháp uống trà ấy cũng thay đổi đi ít nhiều. Đúng ra buổi đầu thời Gia Long, bạn nhóm ba người thì lấy trà ra đãi (trà tam), bạn hợp đủ 4 tay thì đem rượu ra thết (tửu tứ). Về sau kể từ ngày bộ chén chế ra đủ: dầm ,bàn, tống, tốt, thì nghi thức uống trà cũng cách vật thêm. Và tôi xin dựng chứng bằng những danh từ sau đây:

-Độc ẩm: Phép uống trà một mình, lấy một chén ra dùng, ba chén cất lên.

-Đối ẩm hoặc song ẩm: uống với một người bạn, hai chén dùng, hai chén cất lên

- Quần ẩm: uống từ ba người hoặc đông hơn. Quần là đàn, bầy, lũ. Uống đông người thì ồn ào, thú kém thanh.

Khi ấy gia chủ đem hết bộ chén quân ra dùng, hoặc ba hoặc bốn chén. Dĩ nhiên vẫn dùng chén Tống để chuyên trà cho thêm vẻ lịch sự

Phép chuyên trà có nghi thức đàng hoàng, gồm cả một nghệ thuật, phải học mới biết. Mỗi gia môn, mỗi thời đại, mỗi trau dồi cho thêm duyên dáng tinh vi. Thử đọc lại chuyện “ Những chiếc ấm đất” trong “Vang bóng một thời” của Nguyễn Tuân có mê không thì mới biết.

Ngưu ẩm: Uống như trâu uống. Danh từ này chỉ người Việt ta uống trà Tàu thường uống nhiều và đậm, hơi thái quá. Nhứt là khi uống loại trà bản xứ, mỹ danh “trà Huế “. Những ai không quen dùng trà Huế, không biết được cái từ riêng biệt này. Nói “ngưu ẩm” cũng hơi nặng. Nhưng biết làm sao? Phong tục ông bà để lại là vậy. Sang thì kẹo hột điều, kẹo đậu phộng, bậc tầm thường có một miếng đường thẻ cũng xong. Phải có tô lớn pha một tô đầy óc nhóc độ non nửa lít chứ không vừa, bảy phần là nước mưa, trà Huế nấu trong om đồng, bắc trên lửa hồng sôi sùng sục, lấy cái nĩa sắt kẹp chắc cái om rót trà vào tô, bọt nổi vun chùm, hơi thơm bốc lên ngạt mũi. Người uống vừa thổi bọt, vừa nhai xong miếng kẹo ngọt vừa nốc một hơi ráo nạo cạn tô xong rồi thở phì, chép môi, khoái tận mây xanh. Coi đi coi lại chầy ngày, tục uống trà Huế làm cho bụng to lên không khác bụng “trứng gà thuộc địa” (oeuf colonial) nărn xưa quên, xin lỗi đó là bụng mấy anh bầu miền Trung, ông nào quen uống trà Huế; Có người cho uống làm vây không khác rồng lấy nước hay ”Không khác trâu uống” nào là khiếm nhã nào là trần tục. Nhưng suy nghiệm kỹ mỗi nước mỗi có phong tục riêng, còn vấn đề thanh trọc Chưa chắc ai hơn ai… Xin đừng chê “ cây nhà lá vườn” hễ của người thì sang của mình thì chê đè mạt sát. Vậy chớ uống La-ve (bière), có uống từng giọt được chăng? Còn whiky – soda, mấy cổng-xô-ma-tiong mới đã

Thử xét:

 

a, Trung Hoa là xứ lạnh

 

Đời xưa các quan Tàu đi chầu vua, phiền phức vô ngần. Cứ canh năm (lối 4 giờ rưỡi sáng) trời còn tối om, chuông kiểng vương đã đổ .Các quan phải có mặt tại sân rồng, rồi hoặc đúng ngọ, hoăc có khi qua giờ mùi (3 giờ chiều ) quá giờ thân (5 giờ chiều), mà vẫn chưa được về công phủ, vua còn ngự thì các quan còn chầu . . . thêm nữa áo mão luộm thuộm có dễ gì “đi xả hơi” như quan chức đời bây giờ? Vì những lẽ ấy nên họ rất kỵ mồ hôi: cẩm y, tử bào lại là thứ không ưa giặt giạ, đi tiểu tiện trong khi vua ngồi ngự, trời ôi ai dám nghĩ tới việc đó, cho nên uống trà chén nhỏ, uống ít nước là thậm phải.

Vả lại, đời xưa, vấn đề giao thông rất là bất tiện, vận tải khó khăn, trà Tàu và các hàng hoá khác vận chuyển từ tỉnh này qua tỉnh nọ chỉ dùng sức người gồng gánh, sức ngựa lừa, thuyền buồm tải… huống chi trà Tàu là cuả quý, đắt đỏ cho nên uống đủ ngon là vừa. Thời xưa ngoài sự uống trà ‘‘Đậm như máu đỉa” các quan Nam triều còn ngậm nhân sâm, ngậm kỳ nam, quế thanh cũng vì nhiều nguyên do, mà nguyên do đỡ khát đừng mắc tiểu là một. Vả lại sâm có khi được vua ban, còn kỳ lân quế có khi mắc hơn trà, nhưng vốn là thổ sản trong nước nên dễ kiếm hơ). Cái câu Nguyễn Khản dám gởi cho chúa: “Thần Khản khất trà nhứt lượng”  đủ thấy trà vào đời xưa, quý đến bực nào.

 

b, Việt Nam là xứ nóng

 

Mùa viêm nhiệt, tiết tháng hai tháng ba, nắng đổ hột đổ sao, người thổ dân lấy gì uống cho thân thể nhả mồ hôi, cho hợp vệ sinh ? Thảo nào có rnùa dân ta uống gẩn chục tô nước mưa mà còn chưa đã khát; con nói gì người ngoại kiều giờ đây quen luyện thể thao, đánh quần vợt, chơi túc cầu. họ từng nốc cạn chai lave này qua ly cối nước chanh khác lại chẳng ngưu ẩm là cái gì ?

Nếu có danh từ “Tượng ẩm” dùng mới phải cho !

Dựa theo câu “trà tam…” tôi định chắc rằng “Bộ trà nào kiểu có ba quân một tống” vẫn cổ vẫn xưa hơn bộ “Có bốn chén tốt”, nhưng phải coi chừng hễ dĩa bàn quá rộng, thì đó là bộ bốn quân đã bể hết một, hay bốn tốt mất một còn ba! Thậm chí những bộ xinh xinh, bé bé, vẽ rồng đoanh bốn hoăc ba móng ký hiệu “Gia khánh” hoặc “ Ngoạn ngọc”, coi vậy mà xưa, vì sứ bộ mua về để phân phát cho quan nhỏ và dân dùng (đồ dân dụng). Những bộ chén trà nào dậm “san thuỷ” dáng thanh, đề hiệu chữ “Nhựt” là đồ “ngự dụng” cỡ đời Thiệu Trị, hoặc Tự Đức, kể về tuổi vẫn nhỏ tuổi hơn những chén “lật đật”, “mắt trâu”.

 

Sau thời kỳ Mai Hạc, chén lật đật còn thấy trở lại ba kiểu sau đây:

1, Kiểu “ Mãn hoạ tùng đình”, hiệu Ngoạn ngọc hay Nhã ngọc :

 

vẽ san thuỷ giáp vòng, vóc lớn hơn chén Mai Hạc một tí, đặc biệt là ký kiểu Phong cảnh Huế: núi non chập chồng, có mấy khóm trúc lơ thơ, liễu múa giao nhành, lâu đài thuỷ tạ, trên cầu có hai người đi, nơi cửa vòng nguyệt thấy có bóng người đọc sách, trong nhà thấy hai người ngồi đánh cờ, giữa sân thấy hai người đang giang thẳng cánh một bức cổ tranh cùng đứng ngắm vẽ chi chít những nét xanh trên nền sành trắng, vẽ đầy mặt chén, có gốc tùng, có mái đình nên gọi “ mãn hoạ tùng đình” chế cỡ lớn và không đề một chữ nào, vì độc nhứt làm cho hạng người “ ăn mặn uống đậm”, bình sanh chỉ biết múa gươm nhưng thường cũng thích chửi thề với văn tự từng lập nghiệp trên lưng ngựa mà chưa hoặc ít từng vào trường học một chữ nào, và những bộ chén lớn ấy, dành cho các nhà cựu công thần, xuất thân là võ tướng không biết chữ !

 

2, Kiểu “liên áp” tục gọi “sen le” thường ký hiệu “Ngoạn ngọc”, và chia ra nhiều cách vẽ riêng biệt:

 

a, Một bộ không có đề thi và vẽ bốn con chim vịt, gọi lele cũng được, khi thì vẽ lội dưới ao có sen mọc, vì vậy gọi kiểu “sen le”, chữ là “liên áp” khi thi vẽ bốn chim vịt ấy có cử động khác nhau:

-               Con thì cất cánh, như bay (phi)

-               Con thì há miệng như kêu (minh)

-               Con thì dấu đầu dưới cánh như ngủ (túc)

-               Con thì lặn ngụp dưới nước kiếm ăn (thực)

Kiểu nảy không vẽ sen, lại vẽ vài bụi trúc, nhìn kỹ thấy rõ là loại trúc mọc bờ sông Hương, và vì vẽ chim bay, kêu, ngủ, ăn nên gọi kiểu “phi minh túc thực”. Hiệu đề bốn chữ “ Ngọc lâu quang uẩn” ( số mục lục 1010) vì góc gãy, định làm vào đời Thiệu Trị Tự Đức

b, Một đĩa bàn thật lớn, cạnh mẻ bịt lại bằng đồng, hiệu sáu chữ ” Đại Minh Thành Hoá niên chế” viết trong hai vòng thật tròn (double cercle) (mục lục số 410) vẽ hai con chim vịt lội dưới nước, gần mỏm đá có bụí lan hoa lá lòng thòng ghi ra “chiếu thuỷ”, nét vẽ thần tình, mầu tô thật đậm,định đời Khang hy ( 1662-1722). Dĩa này lớn quá nên không phải dĩa đựng chén trà; vì mặt bằng phẳng và kính tâm đến 23,4 phân tây ( 235 mm) nên tôi định đời xưa dùng làm mâm đựng trầu têm, hoặc bánh trái và gọi là mâm hiến lộc.

c, Một kiểu nữa, cũng dĩa bàn dáng bánh sáp, nhưng bị mẻ nhiều nên hay mài cạnh thâu nhỏ lại và bịt cạnh bằng bạc hiệu Ngoạn ngọc.

Trên dĩa vẽ hai chim vịt: một con giấu đầu vào cánh, một con ngước mỏ kêu, gần bên vẽ hai lá sen và hai bông sen chật dĩa, thêm có hai câu thi hán tự:

”Lộ dục trì biên hậu

Hoa dương thuỷ điện thi”

Dịch:

“Chim tắm bờ ao phải lúc

Bông thơm mặt nước nhằm thời”

Xét ra hai kiểu đều thợ lò Giang Tây vẽ, nhưng bộ c) có vẽ tàu hơn bộ a), bộ c) ắt chế cho Trung Hoa dùng, còn bộ a) là làm cho Việt nam theo kiểu thức đã vẽ trước, cả hai đều đẹp mỗi bộ một điệu riêng, tiếc thay không bộ nào còn sót chén lại, nếu còn dùng làm quà dâng tiệc cưới thì thanh nhã vô cùng, lại thêm đẩy đủ ý nghĩa chúc câu “hoà minh, túc đế”

d, Một cái chén lẻ bộ, toàn hảo, số mục lục 716, hiệu “Tuyên Đức Niên chế” (khéo như cổ vật đời Minh Tuyên Đức), có lẽ chế tạo đời Khang hy, vẽ kiểu “liên áp” khác hơn các kiểu thường thấy, bụi sen đã khéo, lại vẽ hai chim không giống các kiểu nói trên đó là hai ngỗng cao lớn đứng kề nhau, hai thân nhập một, một con ngó trước còn con kia ngó ngoáỉ đầu lại nhìn theo con bạn, nét vẽ thần tình, kiểu vẽ độc đáo, quả là một tân ngoạn khó kiếm.

Một nhà chơi cổ, dựa theo điển tích, chuộng món đồ cổ kiểu của nước nhà hơn kiểu của Trung Hoa, nên ngụ ý hai câu lục bát sau đây, làm câu thiệu dễ nhớ:

“Thứ nhứt liên áp bốn con,

Thứ nhì liên áp hai con chữ đề”

Một dĩa khác, hiện không dễ kiếm, hiệu “Mỹ Ngọc” vẽ lá sen và con chẫu chuộc, Nam gọi “chàng hiu”, đề câu thi “Thuỷ phiếm liên hạ ẩn, oa hướng hà thượng minh” (Dĩa này cũng sắp vào bộ môn “sen le”).

TIN TRÀ THÁI NGUYÊN MỚI NHẤT

Bỏ túi 5 công dụng của mật ong nguyên chất với sức khỏe người dùng

Bỏ túi 5 công dụng của mật ong nguyên chất với sức khỏe người dùng

28.02.2023
Mật ong nguyên chất là một trong những bài
3 “đặc sản” trà Thái Nguyên ngon nhất trên thị trường hiện nay

3 “đặc sản” trà Thái Nguyên ngon nhất trên thị trường hiện nay

17.02.2023
Thái Nguyên từ lâu đã là một địa danh phổ
Trà ướp hoa sói -  Dòng trà ướp hương độc lạ

Trà ướp hoa sói - Dòng trà ướp hương độc lạ

16.02.2023
Trà ướp hoa sói là một trong những nét trà
Điểm qua các cách pha trà hoa mộc thơm ngon, đúng vị

Điểm qua các cách pha trà hoa mộc thơm ngon, đúng vị

15.02.2023
Trà hoa mộc là một trong những thức trà phổ
Mách bạn 3 loại trà hoa tốt cho hệ tiêu hóa

Mách bạn 3 loại trà hoa tốt cho hệ tiêu hóa

14.02.2023
Hệ tiêu hóa là một trong những cơ quan quan

CỘNG ĐỒNG TRÀ THÁI NGUYÊN