Phàm cái gu uống trà, thường mang nặng ý thích chủ quan, lâu ngày sẽ trở thành thành kiến. Có người cả đời chỉ uống trà trà xanh, có người chỉ thích trà phổ nhĩ. Cùng là trà ô long, có người lại thích vị tươi mát của Thiết Quan Âm, có người chỉ mê vị khoáng chất của nham trà, có người lại chỉ thích vị khói của trà rang lửa đậm. Điều đó là bình thường, bởi vì mọi người có cái gu và khẩu vị riêng.
Tuy nhiên, nếu cái gu ấy quá cực đoan, chỉ chuyên chú một loại trà thì sẽ vô hình chung tạo ra bài xích đối với những loại trà khác. Cũng giống như người mê uống trà ô long nhiều mùi hương thì chê trà xanh nhạt nhẽo. Người thích uống trà phổ nhĩ già sống thì chê trà phổ nhĩ chín mùi vị nhân tạo, kém tinh tế. Người quen uống trà tàu thì chê trà Việt không đủ độ ngon, vv. Cứ như thế, họ uống trà với tâm thế bị bó buộc không cởi mở để tiếp thu những cái khác biệt.
Giá thành cũng là một vấn đề của định kiến. Rất nhiều người cho rằng trà có giá cao, bao bì sang trọng mới là trà ngon. Có người nếu đem loại trà sang quý, mua từ các tiệm trà có tên tuổi đem pha cho khách thưởng trà, khi nhắc đến giá tiền của trà, mọi người đều sáng mắt và tấm tắc khen trà ngon. Còn nếu lấy ra loại trà bình dân, bao bọc trong túi giấy sơ sài không nhãn mác ra mời thì chẳng ai để mắt đến, liền nghĩ ngay đến đó là loại trà dở.
Đó chính là sự nghịch lý của người uống trà, nhiều khi bị mắc kẹt trong chính sự hạn hẹp của định kiến nên không có cái tâm trong sáng, từ đó không đủ cởi mở để tiếp nhận được vị ngon của chính loại trà đang uống.
Người Trung Quốc có câu “Tâm tại đương hạ, vô trà bất hương”, có nghĩa là nếu tâm để vào việc uống trà thì không có loại trà nào mà không có hương thơm. Đúng vậy, khi uống một loại trà mới không quen thuộc, nếu người uống gạt bỏ mọi phán xét trong lòng, đừng nghĩ đến một loại trà khác, mà để tâm lắng đọng, khứu giác và vị giác tập trung vào chén trà, cẩn thận cảm nhận mùi hương, tư vị của trà thì họ sẽ thấy chén trà ấy hương trà sẽ có hương thơm, vị ngọt theo cách riêng của chúng.
Thực tế, không có loại trà nào là không ngon, không có hương thơm. (Tất nhiên, chúng ta không nói đến các loại trà “bẩn”, trà hương nhân tạo). Chuyên chú vào việc thưởng thức mùi vị của một ly trà, để cho tất cả các cảm xúc của mình tập trung vào chén trà, cũng giống như trong thiền, đó chính là sự tập trung hay trạng thái “định”. Ở trạng thái “định” cao, bạn sẽ đạt được "ngộ" - đó là sự thấu triệt bản chất của sự vật, từ đó hiểu rõ và cảm nhận được bản chất của trà một cách rõ ràng hơn.
Điều này nhắc nhở ta không chỉ ở việc uống trà mà còn những sự vật, hiện tượng khác trong xã hội và đời sống hàng ngày. Nếu bạn thực sự chú tâm vào làm một việc gì đó (cho dù bạn không thích) thì chúng sẽ trở nên thú vị và đáng giá theo cách riêng của mình, từ đó giúp bạn tìm được sự hứng thú để hoàn thành công việc một cách hiệu quả nhất.