Các yếu tố quan trọng để đánh giá trà ngon
logo
Thế nào là trà ngon? Đây là câu hỏi không dễ trả lời, dù bạn có hỏi một chuyên gia trà nhiều kinh nghiệm. Bởi vì có quá nhiều yếu tố để đạt đến cái đích cuối cùng là sự viên mãn của người thưởng thức, đặc biệt là khi thưởng trà là một vấn đề thuộc về cảm nhận và sở thích cá nhân. Các bạn có thể tìm hiểu các yếu tố để có được một chén trà ngon ở bài viết dưới đây, nhưng hãy nhớ uống trà khi tâm hồn mình thanh thản, một cái miệng đắng chát làm sao cảm nhận được dù nâng chén trà hương vị tròn đầy.

Cây Trà có tên khoa học là Camelia Sinencis , là một trong những thực vật thuộc họ Theacae, lá có răng cưa, xanh tốt quanh năm và hoa thì màu trắng. Cây trà ưa nhiệt độ trung bình hằng năm từ 13-250C, lượng mưa 1.500 - 2.400 mm/năm. Thông thường cây trà có độ cao tới hàng chục thước nhưng để tiện dụng cho phu hái trà, người ta phải cắt tỉa thường xuyên để thân cây đạt độ cao tối đa từ 1-1,50m. Để bảo quản tốt vườn trà, thường các cây bị sâu thì phải nhổ bỏ vì trà kỵ thuốc trừ sâu rầy, cũng như không tốt đối với loại phân hoá học, mà chỉ thích ứng với loại hữu cơ hay bã đậu nành. Trà tự nhiên đã là một loại thức uống tuyệt hảo, với cách chế biến đơn giản là bỏ lá tươi vào nấu với nước uống mà ta hay gọi là nước chè tươi. Nhưng ngày nay khi nhắc đến trà là nhắc đến loại trà khô đã qua nhiều công đoạn chế biến và được đóng gói dưới dạng thành phẩm.
Có thể khẳng định rằng, trong tất cả các sản phẩm nhân sinh, trà là một nghệ thuật tinh vi nhất. Khởi nguồn từ nơi trồng, cây trà uống sương tắm mưa, nắng gió nhào nặn thành lộc non lá nõn, tùy điều kiện thổ nhưỡng và cách chăm sóc sẽ cho ra những phẩm chất trà khác nhau. Theo Vũ Thế Ngọc, tác giả cuốn "Trà Kinh" nổi tiếng thì cùng một ngọn núi, cùng một vườn trà có thể có hàng trăm loại trà khác nhau, nhưng trà “Đông pha” bao giờ cũng hơn “Tây pha” vì hướng đông nhận tia nắng mặt trời trước, phản ứng sinh trưởng của cây trà hướng đông khác hẳn cây ở phía tây. Rồi trên cùng một cây trà, trà hái ở những ngọn đâm ra từ cành chính tốt hơn ở các cành phụ. Những lá trà tốt nhất là lá trà còn quấn chặt. Những lá đã nở tung và không còn quấn nữa thì thuộc loại hạng nhì. Chưa hết, cây trà được hái nhiều lần trong năm nhưng quí nhất là loại trà “Minh Tiền”, đó là loại trà vừa hái khi những tia nắng đầu tiên của mùa xuân vừa làm tan tuyết, làm căng nhựa sống của muôn cây cỏ sau mùa đông dài. Rồi đến hái trà, cách hái cũng đòi hỏi một nghệ thuật, ngày trước các thiếu nữ hái trà phải để móng tay dài (sau này họ dùng một loại lưỡi lam gắn vào hai ngón tay), để móng tay cắt đứt lộc non mà ngón tay, có sức nóng của cơ thể, không được chạm vào, làm như sức ấm của ngón tay có thể làm thay đổi phẩm chất của trà...Những búp trà tốt nhất phải được hái lúc sương đọng còn lạnh, chỉ hái trà trong những ngày quang đãng, không hái trà trong những ngày u ám, những ngày mưa hoặc có mây quần vũ. Hái trà xong, lại còn qua giai đoạn ủ trà, sao tẩm, sấy trà... rồi đến khi có được trà, có được tay “trà thủ” pha trà đi nữa, trăm loại nước lại có trăm loại trà khác nhau. Lại còn trà cụ, ấm tách... Ấy chưa kể đến tác nhân cuối cùng: Người uống (chưa nói đến chỗ uống, thời gian uống, khách uống...). Mỗi chặng, mỗi nhịp đều phải đạt đến được cái chân nghệ thuật thì cái đích cuối cùng: Một ly trà ngon, mới thật là viên mãn. Ngày xưa, một chén trà đạt đến trình độ còn tốn kém hơn cả các món ăn chơi của các đại gia ngày nay.
Chúng tôi đã từng gặp nhiều thực khách, những người mê trà và có nhiều kinh nghiệm trong việc chọn trà. Có người chỉ muốn đặt mua loại trà mùa xuân, có người tỉ mỉ kiểm tra từng bả trà, có người nhai thử trà khô, cũng có người mua gói trà đã dùng dở (trà pha mẫu cho khách dùng thử) hay chỉ mua những gói trà cùng ngày sản xuất với trà mẫu…Một câu hỏi đặt ra là liệu chăng có sự khác biệt như thế về các loại trà và làm sao để có thể chọn được loại trà ngon?
Tiêu chuẩn thứ nhất để chọn trà và biết trà ngon là về phẩm lượng đọt trà: Bình thường loại trà xanh thượng  hạng đều là thuộc loại “trà một lá”: Nghĩa là chỉ gồm búp non và một lá nhỏ. Loại hạng nhất là loại “trà hai lá”: Nghĩa là chỉ gồm búp non và hai lá gần đó. Đến loại hạng nhì, trà ba lá là hạ phẩm. Bình thường chỉ nói trà thượng hạng là ta đã hiểu chỉ gồm  trà một lá. Các danh từ trà một lá, hai lá, ba lá chỉ dùng cho giới sản xuất trà mà thôi. Riêng trà Ô Long thượng hạng thì phải hái đủ ba lá để có đủ hương thơm, vị ngọt và hậu trà.
Tiêu chuẩn thứ hai là phân hạng theo thời điểm hái trà, thời điểm hái trà rất quan trọng vì nó quyết định rất lớn đến phẩm chất khác biệt của trà. Sau mùa Đông tiềm ẩn, Xuân đến cây cối tất nhiên nẩy lộc, đâm ngọn. Vì vậy những đọt mầm đầu tiên chứa đựng cả bao tinh túy tháng ngày phải là hạng thượng đẳng.
“Gió hiền hòa ủ ê chồi ngọc
Đầu Xuân ngắt hái những mầm hoàng kim
Lựa cho tươi sấy cho toàn
Thật tinh ròng thật tốt lành xa hoa.
Loại trà này hợp với bậc chí tôn và vương giả
Tại sao lại đến tận nhà kẻ sơn nhân?”
                                       Trích: Trà Ca-Lô Đồng

Trà Xuân này còn được chia làm 2 loại là trà “Minh Tiền” và “Vũ Tiền”. Trà Minh Tiền là loại trà được hái đầu tiên trong mùa Xuân, trước tiết Thanh Minh (khoảng cuối tháng hai, đầu tháng ba Âm lịch. Trà Vũ Tiền là trà hái trước tiết Cốc Vũ (sau Thanh Minh nửa tháng). Lúc này mùa Xuân đã bắt đầu, mưa xuống cây đâm chồi mau hơn, nhanh hơn, lẽ dĩ nhiên trà sau đó hái được nhiều hơn nhưng phẩm chất đã kém đi. Tất cả các hạng trà khác không phải là trà Xuân được gọi chung là “Vũ Hậu”
Trái với rượu càng để lâu càng quý. Trà, đặc biệt là trà xanh ta thường uống, phải được dùng càng sớm càng tốt. Trà đầu Xuân thường được uống ngay trong mùa Xuân, cũng may là hạng trà này ít và hiếm, chỉ bán cho khách quen đặt trước. Các cụ ngày xưa có nhiều người đã phải gửi hàng lạng vàng cho thương khách Tàu và chờ đợi hàng nhiều tháng trời để đổi cho được vài lạng trà thượng hạng.

Theo kinh nghiệm của những người sành trà, muốn có chén trà ngon phải hội đủ nhiều điều kiệu, điều kiện quan trọng nhất là phải có trà khô ngon, tiếp đến là nước dùng để pha trà, cách pha trà, trà cụ, không gian thưởng trà và tác nhân cuối cùng là người uống. Chúng ta hay nghe nói rằng “nhất thủy, nhì trà”, có lẽ là một lời khuyên nếu không có nước tốt thì đừng nghĩ đến việc pha trà, nước rất quan trọng, là bạn của trà (còn được gọi là trà hữu), ví như trà Long Tĩnh hạng nhất phải pha với nước Hổ Báo Tuyền.
Bước đầu tiên rất quan trọng của quá trình thưởng trà là nhìn ngắm và ngửi lá trà khô. Người uống trà có một dụng cụ gọi là trưng trà, dùng để ngắm các lá trà trước khi pha, nhiều khi chỉ đem trà ra để ngắm các lá trà xinh xắn rồi đem cất chứ không pha. Trà khô ngon phải có màu sắc đặc trưng tươi sáng bóng bẩy, không ẩm cũng không quá khô, hương thơm tự nhiên nhẹ nhàng
     
Ngoài ra theo khách sành điệu cũng như các bậc thầy về trà, thì việc uống và thưởng thức trà, đều đồng tình rằng muốn đạt được tuyệt đỉnh không những phải nhờ phẩm chất mà còn phải nhờ loại nước và cách pha trà. Như Nguyễn Tuân thuở sinh thời đã luận là đã hứng những giọt sương đọng trên lá sen làm nước pha trà; vua Hán Võ Đế thuở xưa đã cho dựng một cột bằng đồng cao 20 trượng, trên có một tượng người bằng vàng đưa tay hứng sương dùng làm nước pha trà.  Còn vua Tống Huy Tông trong Ðại quan trà luận có phân loại nước rất rõ ràng: "Sơn thuỷ thượng, giang thuỷ trung, tĩnh thuỷ hạ". Tức là nước pha trà ngon nhất là nước đầu nguồn suối, nhì là nước sông và thứ ba là nước giếng khơi.

Tương truyền từ thời xưa, đã là dân nghiền trà phải có hai ấm đồng, bên trong có đủ năm kim hỏa thì nước mới mau sôi, hai ấm thay nhau giữ nước sôi trên lò đốt bằng than hoa hoặc than tàu. ấm pha trà phải là ấm đất được làm từ thứ đất sét đỏ như chu sa, vừa nhỏ xinh cho đủ một tuần trà. Trong "Vang bóng một thời" Nguyễn Tuân có giới thiệu về những chiếc ấm đất quý báu dùng để pha trà, cho tới những chén uống trà nhỏ nhắn đủ loại mà khách sành điệu gọi là chén tống, chén quân..Về ấm trà thì hơn trăm năm về trước trên đất Bắc, đã phát sinh lời truyền tụng "thứ nhất Thế Đức gan gà, thứ nhì Lưu Bội, thứ ba Mạnh Thần". Tất cả các loại trên đều là ấm Tàu, cũng giống nhu ấm Nghi Hưng nổi tiếng từ lâu đời. Theo sách Trà Kinh của Lục Vũ, thì ấm Nghi Hưng hay Tử Sa là những tuyệt tác phẩm nghệ thuật của Trung Hoa với đủ loại kiểu cách, dung lượng dùng để độc ẩm, song ẩm hay quần ẩm, chứng tỏ sự khéo tay và óc sang tạo độc đáo của các nghệ nhân nghệ sĩ.
  
Cách uống trà liên quan chặt chẽ tới nếp sống của các vị thiền sư, phù hợp nguyên tắc luôn tỉnh thức và quan sát của môn phái Thiền Minh sát Vipassana. Bằng cách ngắm hoa hoặc thanh tịnh nơi trà thất, họ thanh tịnh nhãn căn; khi lắng nghe tiếng nước sôi trong ấm đồng, họ thanh tịnh nhĩ căn; khi nhấm nháp từng ngụm trà nhỏ từ chén trà thơm tho, họ thanh tịnh khẩu vị và thiệt căn; khi tiếp xúc với những trà cụ trong sự tĩnh giác, họ thanh tịnh được xúc giác và thân căn; khi thâm tâm và lục căn thanh tịnh, họ thoát khỏi mọi ràng buộc của phiền muộn và tâm hồn trở nên thanh thản. Có lẽ đó chính là nghệ thuật thưởng thức trà giàu ý nghĩa nhất mà con người có thể có được.
   Người Việt không yêu cầu một không gian quá rộng nhưng phải thoáng đãng. Không gian thưởng trà thường mang hơi hướng thiền-là không gian tĩnh lặng và thanh nhã. Lý tưởng nhất là những nơi có khung cảnh thiên nhiên đẹp, yên tĩnh, bên trong có tranh ảnh, thư pháp, góc đọc sách báo hoặc bàn cờ. Vậy nên văn hóa và không gian thưởng trà Việt đã được người đời tổng kết vừa có nét cầu kỳ, vừa mang tính dân dã.  Không gian thưởng trà phải là nơi hội tụ đầy đủ những yếu tố thanh tịnh và thoải mái nhất, tránh xa những ồn ào, bụi bặm của cuộc sống hối hả thường ngày để cùng “bạn trà” nhâm nhi, thưởng thức trà. 

Người Việt Nam ngày xưa chủ yếu uống trà xanh sao chế bằng phương pháp thủ công, thường gọi là trà mộc. Trà móc câu là trà chỉ được hái đọt non nhất nên sau khi sao quăn lại giống như hình móc câu. Song, người sành trà lại bảo phải gọi là " trà mốc cau" mới đúng vì trà tròn cánh, trôi tay, có mốc trắng như mốc cây cau. Còn trà sao suốt là phương pháp sao trà bằng nhiệt, tách nước bằng tay với ngọn lửa liên tục, đều đặn trên chảo gang. 
   Trà ướp hoa là hội tụ đỉnh cao của cái tinh tế, phong cách tao nhã, thanh lịch và sành điệu của người Tràng An. Trong đó, hoa sen là thứ hoa thông dụng nhất mà cũng quý nhất, ướp trà ngon nhất. Nghệ nhân Trường Xuân (Hiên trà quán - đường 180 Yên phụ) tiết lộ: "Muốn có trà ngon, chỉ hái những búp trà loại một tôm hai lá và phải hái nhanh, nhẹ nhàng, không để búp bị nhàu nát". Loại trà ngon là sau khi sao phải còn lại một lượng nước nhất định từ 5-7%. Trà hái xong không ướp hương ngay mà phải để trong chum đất, trên ủ lá chuối, để từ 2-3 năm nhằm làm giảm độ chát và để cánh trà phồng lên hút được nhiều hương. Một cân trà ướp hương sen cần có 800-1000 bông sen, mà phải đúng loại sen ở đầm Ðồng Trị, Thuỷ Sứ, làng Quảng Bá, Hồ Tây (sen ở đây to và thơm hơn sen những nơi khác). Có lẽ do Hồ Tây được xem là chốn địa linh chăng? Hoa sen phải hái trước lúc bình minh. Bông sen còn đẫm sương được tách lấy phần hạt gạo rồi rải đều, cứ một lớp trà một lớp gạo sen. Sau cùng phủ một lớp giấy bản. Ướp như vậy liên tục 5-6 lần, mỗi lần ướp xong lại sấy khô rồi mới ướp tiếp. Công phu là thế nên một ấm trà sen có thể uống hàng chục tuần trà. Nước trong rồi, hương sen còn ngan ngát.
   Trà ướp cũng có cái ngon đặc biệt của nó nhưng các "chân trà nhân" thì bao giờ cũng chuộng trà đơn thuần hơn, đặc biệt như trà Ô Long, trà Thiết Quan Âm. Ðể bảo quản trà, trước hết phải để nơi khô ráo và thoáng mát. Còn theo các cụ sành trà, trà phải để trong bình gốm hay sứ, mà phải là bình tối màu, sao cho hạn chế tối thiểu ánh sáng vào vì chính ánh sáng là thủ phạm làm giảm hương vị trà. Trà ngon hay dở đều tuỳ vào cách ủ (Oxidation) và thời gian lâu hay mau để có hương vị và màu sắc mong muốn. Các loại trà Nhật, Long Tỉnh, Bích Loa Xuân...là loại trà xanh ủ ngắn hạn. Loại trà ủ trung bình có Bạch Hào Ngân Châm, Bao Chủng, Động Đình, Thiết Quan Âm, Thủy Tiên, Vũ Di, Ô Long của Trung Cộng, Ô Long Đài Loan. Trà đen là loại trà hiện nay được các nước Âu Mỹ ưa thích, được ủ trong thời gian rất lâu. 
    Trà ngon nổi tiếng là loại trà đã phải trải qua 10 giai đoạn chế biến, gồm có Trà Bắc-Thái của VN, trà Sâm Cao Ly, Thiết Quan Âm (Ly Sơn,Đài Trung, Đài Loan), Ô Long (Núi Phổ Đà, trên một rặng núi có cao độ hơn 2100m) nhưng đặc biệt nhất là trà Vũ Di, mọc trên một rặng núi rất cao lại vô cùng hiểm trở, người thường không thể leo tới để hái nên phải cho khỉ hút thuốc phiện rồi luyện tập chúng thành những chuyên viên hái trà như người.
Một số loại trà được sử dụng phổ biến hiện nay:

- Trà tươi: Chè tươi hay trà tươi là món nước trà đơn giản nhất và có lẽ cổ nhất nhân loại. Ngày xưa trên đầu môi người Việt luôn có chữ “bát chè xanh” tức là loại trà này, nó được bán ở đầu chợ đầu làng mà nay ít còn thấy. Cách uống chè tươi còn thể hiện một nét văn hóa mộc mạc đặc trưng của người Việt và đâu đó phảng phất cái cảnh sinh hoạt nho nhỏ được ca dao ghi lại: 
"Bắt chân chữ ngũ,
Đánh củ khoai lang.
Bớ cô hàng nước!
Cho anh bát chè!"
Loại trà này uống vào có vị chát nhưng sau đó trong cổ có hậu ngọt. Khi phong trào uống trà xanh có lợi cho sức khỏe khởi đầu vào thập niên cuối của thế kỷ 20, các chợ ở Việt Nam có bán trà tươi nguyên nhánh và nhiều người mua về tự nấu tại nhà. Muốn uống trà tươi, thật đơn giản, cứ hái một nắm lá, cả cành cả đọt non cả lá già bỏ vào ấm đồng hay ấm đất. Đun kỹ thật sôi rồi bắc ra đợi nguội bớt sẽ uống, uống bằng bát đàn (loại bát ăn cơm). Sang trọng thì uống bát sứ, nghèo thì uống bát sành. Sáng uống, trưa uống, chiều uống, tối uống.

- Trà Mộc: là loại trà xanh thuần dùng lá trà không phụ gia gì khác và không cho lên men hay hạn chế sự lên men tối đa, chỉ phơi khô rồi cất giữ. Loại trà này được dùng rất phổ biến hiện nay vì ngoài hương vị trà mộc còn giữ nguyên, các nghiên cứu khoa học cho thấy nó rất có lợi cho sức khỏe.
 Nói chung cách biến chế các loại trà xanh đều rất đơn giản giống nhau. Cũng vì đơn 
giản nên trà giữ được tất cả phẩm chất thực sự của trà ở trạng thái tố phác nhất. Vì 
vậy ta cũng không lạ là dân Á Đông đều chuộng trà xanh. 
 Những danh trà trong nhóm trà xanh phổ biến Long Tĩnh, Sư Phong, Bảo Vân, Tử Duẫn. Ở Việt Nam thì có trà BLao Bảo Lộc, trà Shan tuyết Cổ Thụ, Trà Tân Cương Thái Nguyên

- Trà Ô Long: Người ta sơ bộ thấy có một số trà ô long mang tên như sau: Đại Hồng Bào Trà -  một loại trà xưa kia dùng tiến vua, Thủy Kim Quy Trà, Thiết La Hán Trà, Nhục Quế Trà …Thiết Quan Âm cũng là một loại Ô Long.
                                          "Rồng đen chót vót đồi cao
                                 Trà ngon hương vị thanh tao mùi trà"
Trà ngon Ô Long sẽ cho bạn hương trà thơm nhẹ, tự nhiên thanh khiết, sắc trà vàng trong, xanh nhẹ óng ánh, vị đậm đà, hậu vị ngọt ngào lắng đọng, pha lẫn vị chát dịu nhẹ nhờ hàm lượng tannin thấp, hạn chế khả năng gây mất ngủ, cho bạn một cảm giác thật thanh thản, dễ chịu. Sản phẩm trà Ô Long ngon, được đánh giá là nguyên chất khi được trồng và chăm sóc với điều kiện tốt nhất, giữ được hương vị cũng như các vi chất tốt cho sức khỏe.  Những vùng sản xuất Ô Long nổi tiếng có vùng trà Phúc Kiến, Đài Loan; Việt Nam thì có vùng trà Lâm Đồng cho ra những sản phẩm trà Ô Long chất lượng không thua kém Ô Long Đài Loan.

- Hắc trà hay trà đen: là loại trà ủ cho oxy-hóa hoàn toàn. Hắc trà có vị đậm và ở Trung Hoa người ta gọi là hồng trà vì có nước pha ra màu đỏ sậm và theo kiểu khoa trương cầu may của người Trung Hoa. Ở Trung Hoa từ trà đen dùng chỉ các loại trà lên men lại (hậu lên men) như trà Phổ Nhĩ (Pu-erh), còn ở phương tây “hồng trà” chỉ một loại nước sắc của Nam Phi tên là rooibos. Do vậy khi dùng thuật ngữ hắc trà hay hồng trà nên hết sức thận trọng. Trà đen được chế biến như sau: sau khi thu hái lá trà để ngoài trời cho héo, rồi cho lá trà bị oxy-hóa theo sự điều chỉnh nhiệt độ và độ ẩm, sau cùng đem sấy khô.

  Vậy vấn đề nhiều người quan tâm là mua trà ngon ở đâu?

Đối với các dòng trà cao cấp, bạn phải tìm đến các cửa hàng chuyên doanh về trà hoặc các showroom của các công ty sản xuất trà. Tốt nhất là nên chọn mua ở những cửa hàng có cho dùng thử trà trước khi mua, chú ý chọn trà mới, hạn sử dụng còn nhiều, đặc biệt là đối với các loại trà xanh
Đối với các dòng trà ướp hoa: Trà ướp gồm có những loại trà như trà hoa sen, trà hoa lài, trà hoa sói, trà hoa cúc…Đây là những loại trà có hương thơm đặc trưng do những loại hoa ướp cùng với trà xanh. Trà ướp chia ra làm 2 loại: loại trà ướp hoa thật và loại ướp bằng tinh dầu, tất nhiên loại ướp hoa thường đắt tiền hơn.
   Những loại trà ướp tinh dầu giá rẻ hơn và khá phổ biến, có thể mua dễ dàng tại các siêu thị hay các cửa hàng tạp hóa. Tuy nhiên, ngày nay theo quy trình sản xuất công nghiệp nhiều cơ sở sản xuất sử dụng nhiều hóa chất tạo hương không an toàn, khi mua trà này cần chọn mua của những thương hiệu uy tín để an tâm hơn khi sử dụng.

   Nếu là người có thời gian và thực sự muốn thưởng thức hương vị tuyệt vời của trà hương, bạn có thể tự ướp hương cho trà xanh tạo nên trà lài, trà sen để đảm bảo an toàn và có được hương thơm thuần túy. Ướp hương cho trà không khó mà cũng không tốn kém nhiều, chỉ cần tỉ mỉ và bớt chút thời gian, bạn sẽ có những tách trà ngon tuyệt vời và tuyệt vời hơn là do chính mình làm ra để mời bạn bè cùng thưởng thức.

Trà lài: Trà xanh trải một lớp rồi hoa lài trải một  lớp, cứ như thế mà làm cho đầy. Bên trên phủ một lớp giấy bản trong vài ngày, rồi lấy ra đem sao nhẹ.

Trà sen: Phương pháp chế biến đa dạng và rất độc đáo, sau đây là một trong vài cách:
1.- nhét cánh trà vào giữa hoa sen một đêm, hôm sau lấy ra dùng hay sấy nhẹ để dành;
2.- Bứt lấy nhị sen rồi ướp với trà một đêm hay cho nhị sen và trà vào bếp hong cho hương sen quyện vào trà.
 

TIN TRÀ THÁI NGUYÊN MỚI NHẤT

Bỏ túi 5 công dụng của mật ong nguyên chất với sức khỏe người dùng

Bỏ túi 5 công dụng của mật ong nguyên chất với sức khỏe người dùng

28.02.2023
Mật ong nguyên chất là một trong những bài
3 “đặc sản” trà Thái Nguyên ngon nhất trên thị trường hiện nay

3 “đặc sản” trà Thái Nguyên ngon nhất trên thị trường hiện nay

17.02.2023
Thái Nguyên từ lâu đã là một địa danh phổ
Trà ướp hoa sói -  Dòng trà ướp hương độc lạ

Trà ướp hoa sói - Dòng trà ướp hương độc lạ

16.02.2023
Trà ướp hoa sói là một trong những nét trà
Điểm qua các cách pha trà hoa mộc thơm ngon, đúng vị

Điểm qua các cách pha trà hoa mộc thơm ngon, đúng vị

15.02.2023
Trà hoa mộc là một trong những thức trà phổ
Mách bạn 3 loại trà hoa tốt cho hệ tiêu hóa

Mách bạn 3 loại trà hoa tốt cho hệ tiêu hóa

14.02.2023
Hệ tiêu hóa là một trong những cơ quan quan

CỘNG ĐỒNG TRÀ THÁI NGUYÊN